Người nghèo, xét về tổng thể, luôn ở trong trạng thái yếu thế. Họ mãi mãi là kẻ yếu.
Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn dỏng tai nghe ngóng thông tin, hy vọng “ăn theo” các nhà đầu tư lớn, nhưng kết quả thường bị họ dắt mũi, trở thành con mồi béo bở.
“Nhà đầu tư lớn” trên thị trường chứng khoán, nói trắng ra, chính là những người có khả năng khuấy đảo thị trường, là các tổ chức, nhà đầu cơ, hay chính bản thân công ty niêm yết. Mục tiêu của họ khi tham gia thị trường chỉ có một, đó là kiếm tiền.
Vậy ai sẽ là người mất tiền? Thị trường chứng khoán không phải là nơi in tiền, nó chỉ là nơi dòng tiền luân chuyển. Tiền hoặc là từ túi bạn chảy sang túi họ, hoặc là từ túi họ chảy sang túi bạn. Từ lâu đã có những lời đồn đại về cách thức kiếm tiền của các nhà đầu tư lớn, đó là “nuôi, dụ, xả”, giống hệt như cách đối phó với con mồi.
Trong bối cảnh ai cũng muốn kiếm tiền, ai là người dễ bị “nuôi, dụ, xả” nhất? Câu trả lời đã quá rõ ràng.
Có rất nhiều người viết sách, viết bài hướng dẫn các nhà đầu tư nhỏ lẻ cách đối phó với các nhà đầu tư lớn, tóm lại là hai phương pháp: phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.
Tuy nhiên, với một người lao động bình thường, tiền không nhiều và phải đi làm đúng giờ, lấy đâu ra thời gian để nghiên cứu hàng núi tài liệu, để phán đoán động thái của các nhà đầu tư lớn, để đấu trí với những chuyên gia được đào tạo bài bản, và phải đưa ra quyết định trong tích tắc?
Khiêu vũ với sói, khả năng lớn nhất là bị sói ăn thịt.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư lớn, hai bên hoàn toàn không cùng đẳng cấp, không chỉ đơn giản là sự khác biệt giữa cánh tay và cái đùi. Địa vị khác nhau, năng lực khác nhau, môi trường và điều kiện hoạt động khác nhau, thông tin mà hai bên tiếp cận được vĩnh viễn là bất đối xứng.
Những gì họ biết bạn không biết, những gì bạn biết họ đã biết từ lâu. Biểu đồ giá cả nói lên tất cả, bạn chỉ có thể đoán mò nguyên nhân từ kết quả đã được thể hiện ra. Đến khi bạn hiểu ra, mọi chuyện đã an bài, bạn không còn cơ hội để phản kháng.
Không chỉ trên thị trường chứng khoán, mà ở hầu hết các thị trường khác, người
nghèo với tư cách là nhà đầu tư, đều ít nhiều ở thế yếu. Sự bất đối xứng về thông tin khiến bạn không thể đánh giá được rủi ro, luôn ở trong tình trạng bị bóc lột. Bản thân năng lực hạn chế cũng khiến bạn không thể cạnh tranh với những “sát thủ” chuyên nghiệp đang thao túng khối tài sản khổng lồ. Họ là một tập thể, sống bằng nghề này, nếu không có bạn mất mát thì họ không có lý do để tồn tại.
Kẻ yếu trên thị trường chứng khoán là nhà đầu tư nhỏ lẻ, kẻ yếu trong xã hội là người nghèo. Người nghèo dễ bị bắt nạt, một phần vì tầm nhìn hạn hẹp, mặt khác cũng do địa vị yếu thế của họ.
Người nghèo là nền tảng của xã hội
Cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt tôm, tôm nuốt bùn. Người nghèo chính là bùn, nằm ở cuối chuỗi thức ăn.
Nhưng người nghèo lại là nền tảng của toàn bộ hệ sinh thái. Không có bùn thì không có tôm, không có tôm thì không có cá bé, không có cá bé thì cá lớn cũng không sống nổi.
Bùn là thứ thấp hèn nhất. Mùa xuân đến, muôn hoa đua nở, trên thân bùn chỉ thêm vài dấu chân dẫm lên. Mùa đông đến, gió lạnh thổi, bùn lại trở thành nơi trú ẩn cho sự sống. Rễ cây ẩn mình trong lòng đất ngủ đông, động vật trốn trong hang đất ngủ đông, còn bùn thì phơi mình ra, lặng lẽ chịu đựng.
Sự náo nhiệt chẳng bao giờ liên quan đến bùn, cũng như cái gọi là dòng chảy chính chẳng liên quan đến người nghèo. Trên thế giới, hễ xảy ra tai họa, dù là thiên tai hay nhân họa, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất luôn là người nghèo. Còn những điều tốt đẹp, có lợi thì luôn bị người giàu nhanh chân chiếm mất.
Bùn là thứ nhỏ bé. Ở chợ hoa, đất mùn được đào từ trong rừng ra – loại đất mà chỉ cần trộn vào đất trồng cây nghèo dinh dưỡng nhất thì cũng không cần bón phân – thứ đất thực sự màu mỡ, cũng chỉ có giá vài nghìn một cân. Còn những cây cảnh quý giá được nó nuôi dưỡng, có cây nào chỉ đáng giá từng ấy tiền? Nhưng nếu thiếu đất, cây cảnh có thể sinh trưởng được không? Vạn vật sinh trưởng nhờ mặt trời, vạn vật sinh trưởng cũng nhờ đất. Mặt trời đã nhận được quá nhiều lời ca tụng, còn đất thì đến nay vẫn không có tiếng tăm gì.
Người nghèo cũng nhỏ bé, nhiều hơn một người hay ít hơn một người thực sự không quan trọng, nhưng toàn bộ người nghèo lại là nền tảng của xã hội. Không có người nghèo, ai cũng sẽ sống không tốt.
Người nghèo là một loại tài nguyên
Trên thế giới này, không phải người giàu cứu vớt người nghèo, không có người giàu thì Trái Đất vẫn quay. Ngược lại, người nghèo mới chính là nền tảng kinh tế của xã hội.
Người nghèo là một tập thể khổng lồ. Nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, giải trí, văn hóa,… của họ tạo nên nhu cầu to lớn của xã hội. Người nghèo không chỉ là lực lượng lao động, họ vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu dùng cuối cùng. Người nghèo cũng là một thị trường lớn, khiến các nhà tư bản thèm thuồng. Nếu để tất cả người nghèo biến mất khỏi Trái Đất trong một đêm, không những nền kinh tế không thể phồn vinh, mà cả Trái Đất cũng sẽ trở nên hoang tàn.
Người nghèo cũng là một loại tài nguyên, quý giá như dầu mỏ, rừng cây, hay tiền tệ.
Dù tài nguyên là để bị lợi dụng, bị hưởng thụ, không thể tự quyết định điều gì, nhưng giá trị của nó khiến người ta không thể không trân trọng.
Người nghèo là lực lượng lao động và thị trường của người giàu, nước nghèo cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm và cung cấp nguyên liệu cho nước giàu. Rất nhiều trường hợp, toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm được thực hiện tại địa phương của người nghèo, nhưng lợi nhuận lại chảy vào túi người giàu. Họ dùng nguyên liệu, lao động, và thị trường của bạn, kiếm tiền từ bạn, lại còn tỏ vẻ khinh thường bạn, thậm chí còn tuyên bố là họ đã tạo công ăn việc làm cho bạn, còn bạn thì cảm kích đến rơi nước mắt!
Người nghèo như cát rời rạc, giống như trên thị trường chứng khoán, tổng số tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cộng lại chắc chắn lớn hơn bất kỳ nhà đầu tư lớn nào, nhưng họ không thể gộp lại, vì vậy nhà đầu tư lớn mới trở thành nhà đầu tư lớn, khuấy đảo thị trường, kiếm tiền từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, lại còn khiến họ phải nể phục.
Xã hội chúng ta luôn dùng ánh mắt tôn kính nhìn người giàu bố thí chút tiền lẻ cho người nghèo. Thực tế, đây không phải là tấm lòng cao thượng của người giàu, mà là họ hiểu rằng toàn bộ xã hội là một chuỗi sinh học, “lấy của dân, dùng cho dân”, nói nôm na là “lấy mỡ nó rán nó”. Nếu trên đời này không còn người nghèo, thì người giàu cũng không sống nổi.
Người nghèo là tài nguyên, rất nhiều khi là tài nguyên vô cùng quan trọng, họ không chỉ là lực lượng lao động, là thị trường, mà còn là sự bảo đảm an ninh. Không chỉ những người bảo vệ ở khu nhà giàu, người gác cổng ở câu lạc bộ của người giàu, mà toàn bộ đất nước, toàn thể nhân dân (bao gồm cả người giàu), đều do người nghèo dùng máu thịt của họ để bảo vệ.
Chúng ta có thể sống yên ổn trong môi trường hòa bình, chỉ riêng điều này thôi, người giàu và tất cả những người sống trong môi trường này đều nên cảm ơn người nghèo.
Người nghèo và người giàu nương tựa vào nhau, thực tế cộng đồng quốc tế hiểu rõ quy luật này nhất, vì vậy mới thường xuyên có chuyện nước giàu xóa nợ cho nước nghèo, hay viện trợ kinh tế,… Cùng sống trên một hành tinh, chúng ta phải chung sống hòa bình. Giống như con người đã học được cách bảo vệ thiên nhiên, hiểu rằng nếu trên Trái Đất này không còn động vật cấp thấp, thì động vật cấp cao sẽ không chỉ đơn giản là cô đơn.
Người nghèo cũng là môi trường sống của người giàu, người nghèo cũng là một loại tài nguyên quý giá. Vì vậy, người nghèo khi nhận sự giúp đỡ của người giàu cũng đừng nên quá cảm kích, bạn hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu, thản nhiên đón nhận, đó vốn là thứ bạn đáng được hưởng!